Trẻ sơ sinh bị táo bón là vấn đề thường gặp nhưng nó lại khiến nhiều mẹ xót lòng xót dạ khi thấy con đại tiện khó khăn.Khi mới sinh ra, bộ máy tiêu hóa chưa thực sự hoàn thiện nên trẻ sơ sinh dễ gặp phải các vấn đề về tiêu hóa, táo bón thường xuyên làm trẻ khó chịu, mệt mỏi, ăn ít và ảnh hưởng đến khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng. May mắn thay, tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh chỉ là tạm thời nếu mẹ thực hiện đúng một vài mẹo trị táo bón cho trẻ sơ sinh. Tình trạng trẻ sơ sinh bị táo bón không thể giải quyết bằng cách đơn giản là ăn nhiều chất xơ như người lớn. Đây cũng là hạn chế khiến mẹ khó tìm được cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh hiệu quả. Những gợi ý dưới đây, mẹ sẽ giúp bé thoát khỏi nỗi khó chịu mang tên “táo bón”.

Xem Thêm:

Táo bón là gì?

Táo bón là tình trạng đi tiêu gặp khó khăn, mất nhiều thời gian để tống xuất phân ra ngoài và khoảng các giữa các lần đi tiêu dài hơn bình thường. Tình trạng này xảy ra có thể là dấu hiệu cảnh báo hệ tiêu hóa không khỏe mạnh, thiếu nước, chế độ ăn thiếu chất xơ…

Táo bón khiến quá trình chuyển hóa thức ăn trong hệ tiêu hóa diễn ra chậm, chất thải tích tụ trong ruột già lâu ngày sẽ gây khó chịu và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe như nứt hậu môn, trĩ và một số vấn đề khác…

Việc dựa vào tần suất số lần bé đi tiêu trong một ngày hoặc trong một tuần cũng không hoàn toàn định nghĩa được táo bón. Nếu bé đi phân dẻo, dễ ra và khoảng 4 đến 5 ngày đi 1 lần thì không có gì đáng lo.

Mặt khác, nếu bé đi tiêu khó khăn, phân cứng, có máu hoặc có màu đen, bé thấy khó chịu hoặc không đi tiêu một lần nào trong 5 – 10 ngày thì bạn nên đưa con đến gặp bác sĩ.

Bé bị táo bón thường có nhu động ruột hoạt động yếu ớt. Phần lớn bé bị táo bón do thay đổi chế độ ăn, chuyển từ giai đoạn bú sữa hoàn toàn sang chế độ ăn dặm/uống sữa bổ sung hoặc chuyển từ giai đoạn ăn nhuyễn sang ăn thô. Bên cạnh đó cũng có nhiều trẻ sơ sinh bị táo bón do mẹ chọn sữa bột không phù hợp.

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị táo bón:

Táo bón xảy ra khi chất thải di chuyển quá chậm qua đường tiêu hóa khiến phân của bé trở nên khô cứng. Những nguyên nhân chính gây táo bón ở trẻ sơ sinh thường là:

1. Thay đổi chế độ ăn uống

Thời điểm phổ biến khiến bé bị táo bón là khi mẹ cho bé chuyển đổi chế độ bú sữa hoàn toàn sang chế độ ăn dặm/uống sữa bổ sung hoặc chuyển từ giai đoạn ăn nhuyễn sang ăn thô. Lúc này, cơ chế nhu động ruột của bé chưa kịp làm quen với chế độ ăn mới nên xảy ra tình trạng táo bón. Thêm vào đó, chế độ ăn không đủ rau, củ, quả, thiếu chất xơ và chất lỏng cũng có thể khiến bé bị táo bón.

2. Thay đổi thói quen

Mọi sự thay đổi trong thói quen sinh hoạt như ba mẹ cho con đi du lịch dài ngày, thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh có thể làm chức năng ruột của bé bị ảnh hưởng dẫn đến tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh.

3. Dị ứng sữa bò

Bé bị dị ứng sữa bò hoặc dùng quá nhiều các chế phẩm từ sữa như phô mai, váng sữa… có thể gây ra tình trạng táo bón. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh.

4. Ăn thức ăn đặc

Trẻ sơ sinh thường bị táo bón nếu được cho ăn thức ăn đặc một cách đột ngột, đặc biệt là ở những trẻ sơ sinh lần đầu tiên ăn thức ăn đặc. Trong giai đoạn tập ăn dặm, các món như bột sữa, bột ngũ cốc, cháo ngũ cốc… thường thiếu chất xơ. Việc trẻ được cho ăn những thức ăn này quá sớm có thể khiến con bị táo bón. Táo bón cũng có thể xảy ra khi bé cai sữa mẹ. Nguyên do là việc cai sữa đôi khi khiến bé bị mất nguồn cung cấp nước.

5. Trẻ uống sữa công thức

Trẻ bú sữa mẹ ít có nguy cơ bị táo bón vì sữa mẹ có chứa thành phần cân bằng chất béo và protein, chất xơ, nước… Điều này khiến phân của bé luôn luôn mềm, ngay cả khi bé không đi vệ sinh trong một hoặc hai ngày.

Nếu đang uống sữa công thức, bé có nguy cơ cao bị táo bón. Nguyên do là thành phần protein khác nhau trong sữa công thức có thể gây táo bón ở trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh dùng sữa công thức với lượng nhiều và bị táo bón thường có phân xanh và cứng. Nếu nhận thấy con bị táo bón do sữa công thức, bạn có thể chuyển sang một loại sữa công thức khác phù hợp hơn với con. Bạn có thể trao đổi vứi bác sĩ về điều này để tìm ra loại sữa phù hợp nhất cho bé.

6. Thiếu nước

Nếu bé bị thiếu nước hoặc mất nước, cơ thể sẽ hấp thụ chất lỏng từ bất cứ đâu, từ thức ăn hoặc đồ uống mà bé dùng hoặc thậm chí là phân trong đường ruột của bé. Điều này vô tình khiến kết cấu của phân bé trở nên khô và rắn hơn khiến bé gặp khó khăn khi đi tiêu.

Do đó, hãy cho trẻ sơ sinh bú đủ. Trong một vài trường hợp, bạn có thể cho bé uống bù nước nếu cần. Trẻ nhỏ thường quên uống nước, hãy luôn nhắc nhở trẻ uống nước bất cứ khi nào. Việc này giúp ngăn ngừa táo bón và mất nước.

7. Thiếu chất xơ

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây táo bón ở trẻ nhỏ. Các bé thường ít ăn rau và trái cây nên phân thường khô, gây khó khăn cho việc đi tiêu. Chất xơ từ thực phẩm giúp tăng thể tích cho phân, làm cho phân mềm hơn và dễ dàng đi tiêu. Do đó, bạn hãy tập cho bé thói quen ăn rau và trái cây mỗi ngày ngay từ khi mới tập ăn dặm để có chế độ dinh dưỡng cân bằng.

8. Bé bị bệnh hay do các vấn đề sức khỏe

Táo bón có thể được gây ra do các vấn đề về sức khỏe như:

  • Bé bị bệnh cường giáp: Bệnh cường giáp có thể làm giảm hoạt động của cơ ruột cùng với các triệu chứng khác.
  • Bệnh phì đại tràng bẩm sinh hay bệnh vô hạch đại tràng bẩm sinh (bệnh Hirschsprung): Trong đó phân đoạn ruột già thiếu tế bào hạch (một loại tế bào thần kinh) khiến ruột già không nhận được hướng dẫn từ não để hoạt động đúng. Những trẻ mắc bệnh này thường nhẹ cân hơn so với trẻ cùng độ tuổi, chúng cũng có thể bị ói mửa và có kích thước phân nhỏ hơn.
  • Bệnh đái tháo đường: Trẻ mắc bệnh đái tháo đường cũng có thể bị táo bón.
  • Mắc các bệnh liên quan đến hệ thần kinh: Các bệnh như bại não, chậm phát triển tâm thần hoặc các vấn đề với cột sống. Rối loạn này khiến trẻ thường gặp các vấn đề về vận động, có những cử động ruột bất thường, hoặc thiếu sự phối hợp trong vận động của ruột.
  • Ngộ độc thịt do clostridium botulinum: Là một căn bệnh gây ra bởi bào tử Clostridium botulinum có các triệu chứng sớm của táo bón.

9. Những nguyên nhân khác

Thiếu vận động cũng là một nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón. Việc thiếu vận động có thể khiến nhu động ruột của trẻ hoạt động kém, có thể dẫn đến táo bón. Táo bón cũng có thể xảy ra nếu trẻ có thói quen trì hoãn việc đi đại tiện. Điều này có thể xảy ra vì khi trẻ cảm thấy đau khi đi vệ sinh hoặc đòi hỏi trẻ phải rặn nhiều, rặn mạnh mới có thể tống xuất phân ra ngoài. Với các bé đã đi học, việc nhà vệ sinh quá bẩn cũng có thể khiến bé trì hoãn đi vệ sinh, lâu dần sinh ra táo bón. Phân quá dài trong ruột già sẽ khó loại bỏ hơn vì ruột già sẽ hấp thụ trở lại lượng nước từ phân.

Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị táo bón:

Để xác định xem bé yêu có bị táo bón hay không, bạn hãy trả lời những câu hỏi sau:

  • Bé gặp khó khăn gì khi đi tiêu hay không?
  • Có máu trong phân của bé hay không?
  • Bé có đi vệ sinh nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường so với các bé cùng độ tuổi không?
  • Bé đi vệ sinh trong 10 phút hoặc lâu hơn trước khi bỏ cuộc không?
  • Phân của bé có khô và cứng không?
  • Bé có phải cong lưng, thắt chặt mông và khóc khi cố gắng đi tiêu không?

Nếu đa phần các câu trả lời là “có”, nguy cơ cao là bé đã bị táo bón. Bạn hãy đưa con đi khám để được các bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị táo bón đúng cách. Ngoài ra, bạn hãy thay đổi chế độ ăn cho trẻ và massage cho trẻ bị táo bón để trẻ có thể đi tiêu dễ dàng hơn.

 Biện pháp đơn giản cho mẹ khi trẻ sơ sinh bị táo bón:

1. Luyện tập thói quen vệ sinh

Bố mẹ hãy tập thói quen đi vệ sinh đều đặn mỗi ngày cho trẻ. Thời điểm đi vệ sinh tốt nhất là sau bữa ăn.

Mẹ không nên hiểu việc đi vệ sinh đều đặn có nghĩa là bé phải được đại tiện vào đúng khung giờ đó mỗi ngày bất kể bé có muốn ị hay không. Cách hiểu này không chỉ không giúp ích gì trong cách trị táo bón cho trẻ mà còn mang lại sự sợ hãi, bực bội cho bé.

Thực chất, việc tập bé đi vệ sinh đều đặn tùy thuộc vào khoảng thời gian bé hay đi vệ sinh. Để biết được điều này, mẹ phải để ý xem bé đi ị như thế nào. Ngoài ra, mẹ hãy căn cứ vào cữ ăn của con để canh thời gian đại tiện thích hợp của bé. Việc theo dõi này sẽ giúp mẹ biết được lịch trình tiểu tiện của bé để canh giờ “xi” phù hợp. Tập bé đi vệ sinh đúng giờ bằng tiếng “xi” cũng là cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh hiệu quả vì lâu dần bé sẽ hiểu rằng mỗi lần mẹ phát ra tiếng “xi” cũng là lúc mình phải đi ị rồi đấy.

2. Massage bụng cho bé

Massage bụng bé đều đặn mỗi theo chiều kim đồng hồ sẽ kích thích nhu động ruột của bé hoạt động để hỗ trợ việc đẩy phân ra ngoài.

Cách làm cụ thể như sau:

Bạn đặt ngón tay trỏ và ngón tay giữa gần với rốn của bé, ấn nhẹ rồi xoay vòng tại chỗ theo chiều kim đồng hồ. Sau đó, bạn tiếp tục mở rộng vòng xoay cho đến khi 2 ngón tay của bạn gần với hông bên phải của bé. Trong quá trình xoay vòng, bạn hãy lưu ý duy trì lực ấn vừa phải vào bụng của bé. Động tác này giúp các thành phần trong ruột non dễ dàng di chuyển theo chiều dài của ruột.

Massage bụng đều đặn cho bé sẽ giúp bé đại diện dễ dàng. Đặc biệt với những bé bị táo bón, động tác massage này càng cần được mẹ thực hiện mỗi ngày.

3. Kết hợp vận động và uống nhiều nước

Với những bé lớn hơn, bố mẹ hãy tạo điều kiện cho bé tiếp xúc với thiên nhiên và có chế độ vận động hợp lý. Bé thường xuyên vận động sẽ giúp cơ thể dẻo dai hơn, cơ quan tiêu hóa cũng hoạt động tốt hơn. Cùng với đó, bố mẹ hãy khuyến khích bé uống nhiều nước. Nước ở đây được hiểu là các loại chất lỏng như nước lọc, nước canh, nước ép trái cây…

4. Thay đổi chế độ dinh dưỡng

chế độ dinh dưỡng cho bé

Với trẻ sơ sinh bị táo bón trong khi bú mẹ hoàn toàn, mẹ hãy cố gắng cho con bú đủ sữa trong mỗi cữ bú. Trong chế độ ăn hàng ngày, mẹ nên bổ sung thêm chất xơ, ăn nhiều trái cây, ngũ cốc và rau. Chất xơ từ những thực phẩm được dung nạp vào cơ thể sẽ chuyển hóa vào sữa mẹ cho bé hấp thụ để phân mềm hơn và di chuyển ra ngoài dễ dàng hơn.

Với những bé bị táo bón trong giai đoạn ăn dặm/uống sữa bổ sung hoặc ăn thô, mẹ hãy cho bé uống đủ nước và ăn nhiều loại đồ ăn giàu chất xơ như ngũ cốc, trái cây, rau xanh. Đồ ăn mềm cũng sẽ giúp hệ tiêu hoá của bé làm việc dễ dàng. Hạn chế tối đa việc cho bé tiêu thụ các loại thức ăn nhanh, đồ ăn vặt và các loại đồ uống có gas vì chúng làm chậm quá trình tiêu hóa của trẻ.

Theo lời khuyên từ các chuyên gia dinh dưỡng, bên cạnh việc chọn loại sữa thích hợp, bố mẹ vẫn phải đồng thời duy trì chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, giàu chất xơ và thói quen sinh hoạt ổn định để con có hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

5. Đổi loại sữa công thức bé đang dùng

Nếu bé uống sữa công thức và bị táo bón, bạn hãy thử đổi sang loại sữa bột khác. Nếu không biết chọn loại sữa nào phù hợp với bé, bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa hay chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm.

6. Điều chỉnh chế độ ăn của mẹ

Trường hợp bé được bú sữa mẹ hoàn toàn mà vẫn bị táo bón, điều chỉnh chế độ ăn của mẹ có thể hữu ích. Vậy trẻ sơ sinh bị táo bón mẹ nên ăn gì?

Bạn nên tăng cường các thực phẩm có tính mát, giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Những dưỡng chất này sẽ đi vào sữa mẹ giúp kích thích nhu động ruột, giữ nước và làm mềm phân của trẻ. Chúng bao gồm:

  • Rau lá xanh: Mồng tơi, rau đay, rau dền, ngọn khoai lang, rau bina, diếp cá
  • Các loại đậu
  • Đu đủ chín
  • Mận
  • Sữa chua

7. Tắm nước ấm 

Thêm một cách chữa táo bón cho trẻ sơ sinh hiệu quả mà bạn có thể áp dụng cho con đó là tắm nước ấm.

Bên cạnh việc giúp trẻ thư giãn, tắm nước ấm còn có tác dụng tăng cường hoạt động của nhu động ruột, kích thích hoạt động của các cơ vòng ở hậu môn để bé có thể đại tiện một cách thông suốt, dễ dàng.

Bạn hãy pha nước ấm vào trong một cái chậu rồi cho bé ngâm mình vào đó khoảng 5 phút. Chú ý cho trẻ tắm nơi không có gió lùa và sau khi tắm cho bé xong nên lau khô mình và mặc quần áo ngay để trẻ không bị nhiễm lạnh.

Các mẹo vặt dân gian từ thiên nhiên cho mẹ khi trẻ sơ sinh bị táo bón:

1. Bí quyết trị táo bón cho trẻ sơ sinh bằng mật ong

Trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi không được khuyến khích uống mật ong nhưng bạn có thể sử dụng nguyên liệu này như một loại thuốc bôi ngoài để chống táo bón cho bé.

Mật ong tinh nóng và có chất nhờn nên khi bôi vào hậu môn của bé sẽ kích thích cơ vòng hậu môn co thắt và giúp phân dễ dàng được đào thải ra ngoài mà không khiến bé bị đau rát.

Cách sử dụng:

  • Lấy mật ong nguyên chất hòa chung với nước ấm theo tỷ lệ 2:1
  • Dùng tăm bông nhúng vào hỗn hợp trên rồi ngoái sâu vào trong ống hậu môn khoảng 1 cm.
  • Để như vậy khoảng vài phút trẻ có thể đi ngoài một cách dễ dàng.

2. Thuốc trị táo bón cho trẻ sơ sinh từ lá diếp cá

Dùng lá diếp cá là cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh tại nhà được các bà mẹ áp dụng từ rất lâu đời. Theo y học cổ truyền, dược liệu này có tính mát và chứa nhiều chất xơ giúp nhuận tràng, thông tiện, kháng khuẩn, trị nóng trong người – một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón.

trẻ sơ sinh bị táo bón
Lá diếp cá được dân gian sử dụng làm thuốc trị táo bón cho trẻ sơ sinh

Cách sử dụng:

  • Hái khoảng 15 lá diếp cá tươi, rửa cho sạch đất cát và ngâm trong nước muối pha loãng.
  • Để 20 phút vớt ra cho ráo nước, đem say nhuyễn với nửa cốc nước.
  • Lọc nước cốt lá diếp cá đem nấu sôi, để nguội, chia 2 lần cho bé uống hết trong ngày.
  • Dùng liên tục vài ngày để chấm dứt tình trạng táo bón của bé.

3. Chữa táo bón cho trẻ sơ sinh bằng hạt hẹ

Hạt hẹ chứa nhiều flavonoid, chất xơ và các hoạt chất có tác dụng nhuận tràng, kích thích tiêu hóa.

Bạn lấy hạt hẹ sao vàng, tán thành bột mịn. Mỗi lần lấy 5g bột hòa với nước sôi cho bé uống. Mỗi ngày uống 3 lần, dùng trong 10 ngày liên tục sẽ thấy kết quả khả quan.

4. Điều trị táo bón cho trẻ sơ sinh bằng khoai lang

Sở hữu hàm lượng chất xơ dồi dào, khoai lang giúp hỗ trợ thúc đẩy tiêu hóa, làm mềm và tăng trọng lượng của phân. Đặc biệt, chất nhựa trong khoai lang còn có đặc tính nhuận tràng tự nhiên giúp chữa táo bón cho trẻ sơ sinh một cách an toàn.

Bạn chỉ cần luộc chín củ khoai lang rồi dằm nhuyễn và trộn chung với cháo cho bé ăn mỗi tuần 4 – 5 bữa. Cách khác đơn giản hơn là hái lá ở ngọn khoai rồi băm nhỏ, thêm vào cháo của bé thay vì dùng các loại rau khác.

5. Cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh bằng đọt mồng tơi

Chất nhờn trong rau mồng tơi hoạt động như một chất bôi trơn. Khi được đưa vào hậu môn, nó sẽ kích thích để trẻ đi cầu dễ dàng hơn.

Thực hiện mẹo chữa táo bón cho trẻ sơ sinh bằng rau mồng tơi như sau:

  • Chuẩn bị một cọng rau mồng tôi, dùng đọt non sẽ chó nhiều chất nhầy hơn
  • Rửa sạch, tước hết lớp vỏ màu xanh bên ngoài
  • Tiếp theo, mẹ đặt bé nằm ngửa, đưa đọt mồng tơi vào bên trong hậu môn của bé và ngoái vài lần liên tục để kích thích phản xạ đi cầu của bé.

Nếu bạn đã áp dụng các phương pháp trên mà tình trạng táo bón của trẻ không được cải thiện, bạn thử dùng thuốc nhét glycerin hoặc đưa đầu mũi của nhiệt kế vào hậu môn của trẻ để kích thích trẻ đi tiêu. Ngoài ra, bạn nên đưa con đi khám và trao đổi với ​​bác sĩ càng chi tiết càng tốt. Bác sĩ có thể kê thuốc nhuận tràng dạng nhẹ cho bé dùng.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, trẻ sơ sinh bị táo bón có thể liên quan đến các tình trạng bệnh lý nghiêm trọng như xơ nang, cường giáp, phì đại tràng bẩm sinh… Do đó, bạn nên đưa con đến bệnh viện nếu đã áp dụng các biện pháp kể trên mà không hiệu quả hoặc bé đi phân có máu để được chẩn đoán chính xác và can thiệp kịp thời.